Login
Phạt tiền đến 100 triệu đồng nếu doanh nghiệp vi phạm về Thương mại điện tử

Phạt tiền đến 100 triệu đồng nếu doanh nghiệp vi phạm về Thương mại điện tử

Theo nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính Phủ, các hành vi vi phạm quy định về thiết lập website, bị phạt tiền từ 5 đến 20 triệu đồng đối với hành vi thiết lập website thương mại điện tử mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền

Ngày 15/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó có quy định cụ thể các chế tài đối với các hành vi vi phạm về thương mại điện tử (TMĐT).
Các mức phạt đối với những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT được quy định cụ thể tại Nghị định này. Cụ thể, các hành vi vi phạm quy định về thiết lập website, bị phạt tiền từ 5 đến 20 triệu đồng đối với hành vi thiết lập website TMĐT mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website cung cấp dịch vụ TMĐT đã đăng ký. Mức phạt sẽ từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định; Nhận chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ TMĐT mà không đăng ký lại; cung cấp dịch vụ TMĐT không đúng với hồ sơ đăng ký; hoặc gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website; Giả mạo thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ TMĐT.

Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ www.online.gov.vn
Việc thực hiện các nghĩa vụ trên được quy định trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và Thông tư 12/2013/TT-BCT hướng dẫn Nghị định của Bộ Công Thương. Việc thông báo và đăng ký của các website TMĐT được thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại địa chỉ www.online.gov.vn.

Phạt tiền từ 40 -50 triệu đồng với hành vi lừa đảo khách hàng trên website TMĐT; Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh TMĐT để huy động vốn trái phép; Lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng hóa dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh khác. Ngoài ra, hành vi lợi dụng hoạt động, đánh giá, giám sát và chứng thực trong TMĐT để thu lợi bất chính; Tiếp tục hoạt động sau khi đã chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký, chấm dứt hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong TMĐT cũng bị phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng.

Cùng với việc phạt tiền, các website cung cấp dịch vụ TMĐT vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 6 – 12 tháng, bị tịch thu tang vật và phương tiện, thu hồi tên miền “.vn” được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc chủ website phải khắc phục hậu quả và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm về TMĐT.

Với hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website TMĐT, sẽ bị phạt tiền lên đến 30 triệu nếu giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động TMĐT; Không triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật cho giao dịch thanh toán của khách hàng. Phạt đến 40 triệu đồng đối với hành vi giả mạo, hoặc sao chép giao diện website TMĐT của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc gây nhầm lẫn cũng như đánh cắp, sử dụng, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức khác, v.v… Mức phạt lên đến 40 triệu đồng nếu không có biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch TMĐT; Không cung cấp thông tin và hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ TMĐT; Không thực hiện nghĩa vụ thống kê, báo cáo theo quy định.

Đây là mức xử phạt hành chính đối với một trong những hành vi sai phạm trong lĩnh vực TMĐT do cá nhân thực hiện. Đối với các trường hợp vi phạm do tổ chức thực hiện thì mức tiền phạt gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân (Điều 4).

Theo nhận định của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, trở ngại chính cho việc phát triển của TMĐT hiện nay ở Việt Nam là nhận thức chưa đầy đủ về hiệu quả và chưa đảm bảo lòng tin cho người mua hàng trực tuyến, cũng như các vấn đề về an toàn giao dịch trên mạng. Do vậy, Nghị định 185/2013/NĐ-CP được ban hành với nhiều mức xử phạt hành chính cụ thể trong các hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong đó có lĩnh vực TMĐT sẽ góp phần giúp TMĐT phát triển theo hướng minh bạch, đảm bảo lòng tin cho người giao dịch.

Ngay sau khi Nghị định 185/2013/NĐ-CP có hiệu lực, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý có liên quan để tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức có vi phạm trong lĩnh vực TMĐT.

Nghị định 185/2013/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014. Xem chi tiết nội dung Nghị định tại đây.

Translate »